Vào ngày 13/12/2023, Bộ Y Tế đã công bố nội dung dự thảo Nghị định quy định về quản lý Mỹ phẩm và triển khai xin ý kiến của các Bộ, Sở, Ban, Ngành cùng các tổ chức, doanh nghiệp liên quan. Nghị định được khẩn trương xây dựng với mục đích khắc phục các khó khăn cùng những lỗ hổng trong công tác quản lý mỹ phẩm sau hơn 12 năm triển khai Thông tư số 06/2011/TT-BYT và 07 năm thi hành Nghị định số 93/2016/NĐ-CP.
Cùng Viraf điểm qua 06 thay đổi đáng chú ý của Dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm:
Bổ sung Giấy chứng nhận GMP hoặc các chứng nhận tương đương đối với hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu
Nghị định số 93/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 – Nghị định quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm đã nêu ra: Điều kiện hoạt động của cơ sở sản xuất mỹ phẩm là phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Do đó, trước khi thực hiện thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm sản xuất trong nước, cơ sở sản xuất mỹ phẩm phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Trong khi đó, thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu lại chưa yêu cầu tài liệu chứng minh cơ sở sản xuất mỹ phẩm tại nước ngoài đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) hoặc tương đương được Hội đồng mỹ phẩm ASEAN thừa nhận. Trước thực tế này, quy định về việc bổ sung Giấy chứng nhận GMP hoặc các chứng nhận tương đương đối với hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu được xem là một nội dung cần thiết.
Điều chỉnh giảm thời gian hiệu lực của số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm
Hiện nay, tại các nước ASEAN, hiệu lực số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm thường chỉ từ 01-03 năm. Trong khi đó, hiệu lực của một số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam là 05 năm. Bên cạnh đó, thủ tục công bố sản phẩm mỹ phẩm còn đơn giản dẫn đến việc các doanh nghiệp công bố nhiều sản phẩm mỹ phẩm nhưng số lượng sản xuất/ nhập khẩu/ kinh doanh thực tế ít hơn nhiều. Điều này cũng gây khó khăn trong công tác quản lý đặc biệt là công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm do không kiểm soát được số lượng sản phẩm mỹ phẩm thực tế lưu hành trên thị trường. Trong 8 năm (từ 2015-2022), tổng số phiếu công bố mỹ phẩm được cấp là 296.116 sản phẩm trong đó có 208.507 số phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu. Trước thực trạng này, đề xuất điều chỉnh giảm thời gian hiệu lực của số tiếp nhận Phiếu công bố mỹ phẩm được coi như một giải pháp nhằm siết chặt hơn việc công bố các sản phẩm mỹ phẩm theo nhu cầu sản xuất/kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cắt giảm thủ tục hành chính về quảng cáo mỹ phẩm và tăng cường công tác hậu mại về quảng cáo mỹ phẩm.
Nghị định đề xuất bãi bỏ thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm, thay vào đó là việc quy định chỉ quảng cáo nội dung phù hợp tính năng, công dụng mỹ phẩm tại Phiếu công bố và bản chất vốn có của sản phẩm. Đề xuất này được đưa ra dựa trên Quyết định số 1661/QĐ-TTg phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, trong đó có việc bãi bỏ thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm với lộ trình thực hiện 2022-2025. Do đó, cần quy định nội dung quảng cáo mỹ phẩm theo hướng tăng cường cơ chế hậu mại, có chế tài xử phạt nghiêm trong trường hợp quảng cáo quá mức tính năng, công dụng mỹ phẩm, gây hiểu nhầm cho người dùng.
Làm rõ cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) tại nước sản xuất /xuất khẩu để bảo đảm tính đồng bộ với văn bản hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương
Điều 36 Luật Quản lý ngoại thương quy định “Giấy chứng nhận lưu hành tự do là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu”. Tuy nhiên, Nghị định số 69/2018/NĐ- CP hướng dẫn Luật quản lý ngoại thương chỉ có quy định về thông tin tối thiểu của CFS đối với hàng hóa nhập khẩu, chưa có hướng dẫn cụ thể về “cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu” là cơ quan nào. Thực tế, đối với mỹ phẩm nhập khẩu, việc cấp CFS tại một số nước do cơ quan không thuộc cơ quan nhà nước, không thuộc khối y tế hoặc do Hiệp hội thực hiện. Do đó, cần bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể đối với nội dung này.
Đẩy mạnh công tác xác thực, kiểm tra tư cách pháp nhân của “Chủ sở hữu” trên thư ủy quyền đối với hồ sơ sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu.
Khái niệm “Chủ sở hữu sản phẩm mỹ phẩm là tổ chức, cá nhân sở hữu công thức, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm” quy định tại khoản 5 Điều 2 Thông tư số 06/2011/TT-BYT chưa quy định tại giấy tờ pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp nên trường hợp cơ sở tuyên bố chủ sở hữu sản phẩm không phải là cơ sở sản xuất mỹ phẩm rất khó xác định. Do vậy, dự thảo Nghị định quy định về quản lý Mỹ phẩm lần này sẽ đưa thêm các giải pháp giúp xác thực tư cách pháp nhân của chủ sở hữu đối với các sản phẩm mỹ phẩm trong thư ủy quyền (Ví dụ: Nộp kèm giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của sản phẩm hoặc nhãn sản phẩm có thể hiện thông tin của chủ sở hữu…)
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm
Xây dựng dữ liệu quốc gia về mỹ phẩm thông qua việc xây dựng hệ thống thông tin tổng thể quản lý và truy xuất nguồn gốc mỹ phẩm: Pháp quy hóa hệ thống thông tin tổng thể quản lý và truy xuất nguồn gốc mỹ phẩm, bảo đảm việc tiếp nhận, rà soát hồ sơ công bố mỹ phẩm và giải quyết các thủ tục khác (thay đổi, bổ sung thông tin trong Phiếu công bố; thu hồi Phiếu công bố; cấp đơn hàng phục vụ kiểm nghiệm, nghiên cứu, cấp CFS để xuất khẩu, cấp GMP và giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm) thống nhất cả nước trên cùng một cổng thông tin điện tử quốc gia.
Xem chi tiết Dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm tại: https://dav.gov.vn/cong-van-so-7959byt-qld-ve-viec-xin-y…