Chất lượng của sản phẩm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự an toàn cho người tiêu dùng, do vậy hầu hết tất cả các sản phẩm sản xuất nội địa hay nhập khẩu đều phải tiến hành thủ tục công bố sản phẩm với cơ quan chức năng có thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông trên thị trường. Theo đó, sản phẩm đươc công bố và cấp phép lưu hành theo quy định được hiểu là các sản phẩm đã được cơ quan nhà nước thẩm định và công nhận về chất lượng cũng như độ an toàn của sản phẩm. Bởi vậy, các sản phẩm được công bố sẽ tạo được niềm tin vững vàng hơn, nhận được nhiều sự quan tâm, ưu ái hơn từ phía khách hàng khi đưa ra quyết định lựa chọn và sử dụng sản phẩm.
Công bố sản phẩm được chia thành 2 nhóm thủ tục chính: Đăng ký bản công bố sản phẩm và tự công bố sản phẩm. Trong đó:
1. ĐĂNG KÝ CÔNG BỐ SẢN PHẨM:
Đây chính là việc doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ xin giấy phép lưu hành cho các sản phẩm trước khi lưu thông sản phẩm vào thị trường. Các nhóm sản phẩm cần tiến hành đăng ký bản công bố sản phẩm bao gồm:
- Thuốc, thiết bị y tế, mỹ phẩm
- TPBVSK, Thực phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, Thực phẩm dinh dưỡng y học, Thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt
2. TỰ CÔNG BỐ SẢN PHẨM:
Đây được hiểu là việc doanh nghiệp tiến hành nộp hồ sơ thông báo về việc lưu thông sản phẩm vào thị trường. Các nhóm sản phẩm cần tiến hành thủ tục tự công bố bao gồm:
- Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn
- Phụ gia thực phẩm
- Chất hỗ trợ chế biến thực phẩm
- Dụng cụ chứa đựng thực phẩm
- Vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm
Các doanh nghiệp không thực hiện công bố sản phẩm theo quy định mà vẫn lưu hành sản phẩm trên thị trường sẽ bị xử phạt theo pháp luật của nhà nước. Do vậy, với vai trò là một người làm pháp chế, bạn phải thật “tỉnh táo” trong việc phân nhóm chính xác cho sản phẩm của doanh nghiệp và tiến hành thủ tục công bố tương ứng sao cho phù hợp với các quy định hiện hành.
————————————–